Toc do do thi hoa o Viet Nam
Hiện nay trên cả nước có 833 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,3% trong 6 tháng đầu năm 2020 (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi đó, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng trên thị trường bất động sản giá bán nhà vẫn tăng, do thiếu nguồn cung. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đặc biệt là các thành thị quá nhanh, khiến giá bất động sản ngày càng tăng nhanh.
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam thời gian qua
Ở mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đô thị hóa là một quy luật tất yếu, tỷ lệ đô thị hóa là một chỉ số báo cáo về sự phát triển của một quốc gia, vùng miền hay địa phương. Quá trình đô thị hóa có thể diễn ra theo xu hướng nhanh, chậm khác nhau ở mỗi quốc gia bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện cũng như trình độ phát triển kinh tế – xã hội ở quốc gia đó.
Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến quá trình đô thị hóa đã diễn ra rất mạnh mẽ tại các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…chính điều này đã tạo ra một hiệu ứng tích cực thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi cả nước. Có khá nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở,…
Nhìn một cách tổng quan về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy, hệ thống đô thị ở nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 39,3% với 833 đô thị năm 2020. Tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là đến các tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
2 Thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh
Số đô thị của cả nước đã tăng lên con số 833 tính đến tháng 6 tháng đầu năm 2020, bao gồm 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 88 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đến cuối năm 2020 đạt khoảng 40%.
Trong 10 năm qua, dân số ở các khu vực thành thị cũng liên tục tăng do tác động của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại các địa phương trên cả nước. Năm 2019, dân số khu vực thành thị ở nước ta ước tính khoảng 33.059.735 người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm tính từ năm 2009 cho đến nay.
Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước khác thế giới và trong khu vực với 290 người/km2 tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước đó là Hà Nội với 2.398 người/km2 và mật độ dân số Thành phố Hồ Chí Minh với 4.292 người/km2.
Một số tác động của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam
Tác động tích cực
– Góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
– Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
– Thay đổi sự phân bố dân cư và lao động, cải thiện tình trạng đói nghèo.
– Lối sống của dân cư ở khu vực nông thôn nhích gần lối sống thành thị về nhiều mặt.
Tác động tiêu cực
– Ảnh hưởng lớn đến môi trường sống: Việc đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải bệnh viện không được xử lý, hệ thống thoát nước không được đảm bảo. Thêm vào đó, vấn nạn về ô nhiễm không khí cũng ngày càng tồi tệ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đồng thời gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến các vấn nạn trên chính là sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, khí xả thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận,…
Hiện Việt Nam đang là một trong những nước ô nhiễm không khí, đứng trong top 10 các nước ở châu Á. Đáng chú ý, ở 2 thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tổng lượng bụi vào một số thời điểm trong tháng 9/2019 vừa qua liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Có đến 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Không những thế, biến đổi khí hậu còn tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất mạnh.
Mật độ dân số ở các đô thị ngày càng tăng
Quá trình đô thị hóa nhanh cùng với sự thay đổi điều kiện sống đã làm cho một bộ phận dân cư ở nông thôn di cư mạnh ra các đô thị làm cho dân cư sống ở thành thị tăng đột biến. Mật độ dân cư ngày càng dày đặc gây mất cân đối giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó thành thị còn phải chịu áp lực về việc giải quyết công ăn việc làm, quá tải cho cơ sở hạ tầng, an ninh không được đảm bảo, tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật gia tăng…
Vấn đề nhà ở và quản lý trật tự an toàn xã hội ở đô thị
Hiện nay hầu hết ở các đô thị ở nước ta đều xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Đặc biệt là đối với dân nghèo đô thị và những người mới nhập cư vào thành phố. Họ không đủ tiền để mua nhà ở và phải sống trong các nhà ổ chuột hoặc phải sống trong môi trường chật chội. Chính vì thế một số người đã bất chấp những quy định về quản lý đô thị, tự ý san lấp, lấn chiếm… để xây nhà một cách tạm bợ, tùy tiện không theo quy hoạch gây ảnh hưởng đến mỹ quan của các đô thị.
Việc xây cất không theo quy hoạch làm xuất hiện tình trạng “nhà không số, phố không tên” chen lấn hỗn độn, tối tăm, chật chội. Điều này đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các tệ nạn xã hội, tội phạm lẩn trốn pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự an toàn xã hội.
Một số hình ảnh tiêu cực về vấn đề đô thị hóa
Nguồn bài viết: https://tranducphu.com/toc-do-do-thi-hoa-o-viet-nam/
Nhận xét
Đăng nhận xét